Lùm xùm đạo văn - Kỳ 1: “Tôi khẳng định chỉ hướng dẫn mình chị Huệ Yên, không có tên Sao Chi nào hết”
“Tôi khẳng định chỉ hướng dẫn chị Nguyễn Huệ Yên, luận văn là do chị Nguyễn Huệ Yên, học trò của tôi, thực hiện một mình, không có tên Sao Chi nào hết”. Đó là lời khẳng định của PGS.TS Hà Quang Năng khi nhắc về luận văn thạc sĩ ngôn ngữ học của học viên cao học Nguyễn Huệ Yên có tiêu đề “Ẩn dụ tu từ trong thơ Tố Hữu”.
LTS: Thời gian qua, những lùm xùm quanh sự việc của ông Nguyễn Đức Tồn, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học kiêm Tổng biên tập Tạp chí Ngôn ngữ vướng chuyện đạo văn đã khiến các nhà khoa học trong giới bày tỏ sự bức xúc về việc “ăn cắp bản quyền”. Trong khi vụ “đạo văn thế kỷ” này vẫn chưa có kết luận rõ ràng thì mới đây bà Vũ Thị Sao Chi, Phó Tổng biên tập phụ trách Tạp chí Ngôn ngữ có “kêu oan”, nói rằng không có chuyện bà đạo văn. Mặc dù vậy, nhiều chuyên gia, giảng viên chuyên hướng dẫn sinh viên, nghiên cứu sinh thấy tên sinh viên của mình đứng chung bài với bà Vũ Thị Sao Chi trong các bài báo đăng trên tạp chí thì đã đồng loạt phản pháo. Và để rộng đường dư luận, phóng viên báo điện tử Người Đưa Tin đã lắng nghe ý kiến nhiều chiều thông qua loạt bài viết với nội dung “Đâu là lời giải cho bài toán “đạo văn” trong giới học thuật?”
Có thể nói, câu chuyện TS. Vũ Thị Sao Chi bị tố “đạo văn”, đứng tên chung trong nhiều bài báo khoa học thời gian qua đã gây xôn xao giới khoa học trong nước. Thậm chí, nhiều ý kiến còn cho rằng việc "cộng tác" viết bài thì có lẽ TS. Vũ Thị Sao Chi, Phó tổng biên tập tạp chí Ngôn ngữ thuộc diện... "kỷ lục gia". Theo thống kê trên trang web của Viện Ngôn ngữ học thì có đến một tá bài viết của TS. Chi "cộng tác" với nhiều người khác, từ thầy hướng dẫn, cho đến các học viên cao học và nghiên cứu sinh thuộc đủ mọi lĩnh vực, đặc biệt với những nghiên cứu sinh và học viên cao học mà bà Chi hoàn toàn không phải là người hướng dẫn…
Thế nhưng, khi vụ việc được đưa ra công luận thì TS. Vũ Thị Sao Chi lại “kêu oan” và đưa ra bằng chứng là tờ giấy xác nhận “đồng tác giả”, thế nhưng tờ giấy này cũng được chính những người theo dõi vụ việc chỉ ra điểm bất hợp lý.
Trong số những bài báo đăng trên Tạp chí Ngôn ngữ ấy, có thể nêu một vài ví dụ, cụ thể bài báo có tên của nghiên cứu sinh Nguyễn Huệ Yên nhưng xuất hiện thêm tên của một người nữa không ai khác chính là TS.Vũ Thị Sao Chi. Điều này, khiến chính người thầy hướng dẫn học viên Nguyễn Huệ Yên tỏ rõ sự bức xúc.
Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, PGS.TS Hà Quang Năng, Nghiên cứu viên cao cấp hạng 1, Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam vẫn chưa hết bức xúc, đồng thời bày tỏ thái độ không hài lòng với việc vi phạm liêm chính học thuật.
Thưa ông, khi bài báo đăng trên Tạp chí Ngôn ngữ 10/2008 có tiêu đề trùng với luận văn của học viên cao học Nguyễn Huệ Yên bỗng nhiên xuất hiện tên đồng tác giả Vũ Thị Sao Chi, thời điểm đó ông đã phản ứng như thế nào?
Trước hết, tôi phải nói rằng luận văn cao học “Ẩn dụ trong thơ Tố Hữu” của Nguyễn Huệ Yên là do tôi là người trực tiếp hướng dẫn. Luận văn này đã bảo vệ thành công năm 2008 tại Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Thái Nguyên. Thời gian đó, trong quá trình học cao học và làm luận văn thạc sĩ tại khoa Ngữ văn của trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên, cô Huệ Yên là giáo viên giỏi của trường THPT chuyên Thái Nguyên.
Toàn bộ những kết quả nghiên cứu trong luận văn này là công sức của một mình cô Huệ Yên, và luận văn này đã bảo vệ thành công và được Hội đồng đánh giá rất cao, cho điểm tuyệt đối (điểm 10). Chị Huệ Yên là người rất giỏi giang, rất tử tế và hết sức trung thực. Trước đây cũng như bây giờ tôi vẫn khẳng định như vậy. Là người có năng lực, cô ấy có thể tự mình thực hiện những công trình nghiên cứu khoa học của mình.
Khi viết xong luận văn này, tôi nói với Huệ Yên nên lấy một phần ở trong luận văn viết thành một bài báo gửi in trong tạp chí chuyên ngành thì khi bảo vệ, với chất lượng tốt của luận văn cộng thêm có bài đăng trên tạp chí, thì luận vă có thể được Hội đồng đánh giá cao và cho điểm tuyệt đối. Khi bảo vệ luận văn trong hồ sơ của học viên có bài báo đăng trên tạp chí Ngôn ngữ năm 2008, trình ra Hội đồng lại có tên của cô Sao Chi. Nói thật, thời ấy tôi không biết cô Sao Chi là ai.
Lúc đó, tôi có hỏi Huệ Yên: “Tại sao em lại đưa tên của một người lạ vào trong bài báo của mình mà không hỏi ý kiến của thầy?”, cô Yên nói rằng cô Sao Chi làm ở Tạp chí Ngôn ngữ và hai người có quen biết nhau khi cả hai còn đang dạy học trên Thái Nguyên.
Tôi có nó với cô Yên rằng về nguyên tắc làm như thế là không được: “Vì đây là công sức của em và thầy chỉ muốn em có bài báo để em được điểm tuyệt đối mà em lại ghi tên người khác mà không hỏi ý kiến của thầy thì không được”.
Tôi khẳng định rằng, luận văn này của của riêng một mình cô Huệ Yên và dưới sự hướng dẫn của tôi từ A đến Z.
Còn bài báo có ghi tên của cả 2 người là Vũ Thị Sao Chi và Nguyễn Huệ Yên giữa hai người họ thỏa thuận gì với nhau không thì tôi không biết.
Cá nhân ông có biết việc cô Sao Chi có rất nhiều bài báo khoa học có tên chung với các học viên cao học, nghiên cứu sinh khác trên Tạp chí Ngôn ngữ ngoài cô Huệ Yên?
Nếu hỏi việc cô Sao Chi có “đạo văn” của cô Huệ Yên hay không, tôi không biết gì để nói, vì chuyện này chỉ có cô Huệ Yên và cô Sao Chi biết.
Tôi chỉ biết qua dư luận chứ tôi không quan tâm tới việc này, những năm qua, thấy người ta ca ngợi cô Sao Chi nổi tiếng vì trong khoảng thời gian ngắn mà có nhiều bài hơn cả các giáo sư, viện sĩ nổi tiếng trên thế giới.
Người ta nói rằng, rất nhiều nghiên cứu sinh, học viên đăng bài trên Tạp chí Ngôn ngữ thường có tên của cô Sao Chi. Cá nhân tôi cũng không biết nội tình.
Câu chuyện về “đạo văn” đã lùm xùm một thời gian dài, bản thân ông cũng là người nghiên cứu khoa học, chuyên hướng dẫn sinh viên làm các luận văn, luận án thì vấn đề “tham nhũng chất xám” này có thể chấp nhận được không? Cần phải xử lý như thế nào?
Về phương diện đạo đức, chuyện sử dụng thành quả nghiên cứu khoa học của người khác một cách tự tiện, vô lối là điều rất không nên làm, vi phạm rất nặng về đạo đức. Các nhà khoa học là những người có trình độ học vấn cao, đây là điều tối kỵ, không thể tha thứ.
Còn chuyện đạo văn đã được thế giới lên tiếng, rất nhiều nhân vật cao cấp vì lý do “đạo văn” của người khác đã phải chịu những hình thức kỷ luật rất nặng nề.
Tại Việt Nam hiện nay vẫn chưa có chế tài để xử lý việc này. Nhưng, tôi cho rằng đã đến lúc cần phải xử lý dù cho rất đau, rất xấu hổ nhưng dứt khoát phải làm để cảnh báo, răn đe, có nghĩa là công của ai thì trả lại cho người đó, không loại trừ bất kỳ ai vì trước pháp luật mọi người đều bình đẳng như nhau.
Có như vậy, khoa học Việt Nam mới có thể tốt lên được và giáo dục Việt Nam mới đi vào nề nếp.
Xin cảm ơn ông!
Xem chi tiết bài báo đăng trên Tạp chí Ngôn ngữ có TS. Vũ Thị Sao Chi đứng tên chung với Nguyễn Huệ Yên:
Trong diễn biến liên quan, phóng viên báo điện tử Người Đưa Tin đã liên hệ qua điện thoại hẹn gặp bà Nguyễn Huệ Yên, người bảo vệ luận văn thạc sĩ năm 2008 có bài báo đồng tác giả với bà Vũ Thị Sao Chi. Tuy nhiên, bà Huệ Yên cho hay bà không muốn bàn thêm về vấn đề này.
“Tôi bận lắm, mà tôi không muốn trao đổi thêm gì nữa vì giờ tôi đã nghỉ hưu rồi. Còn tại hội đồng bảo vệ luận văn, tôi đã có ghi rõ cam kết trong tài liệu là “đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi”, nên tôi không có chia sẻ gì thêm. Về bài báo có tên chung của Sao Chi, tôi có gửi đăng trên báo, Sao Chi là người đọc bài, gửi bài in và muốn đứng tên trong bài báo thì tôi để cho cô ấy đứng tên, vì nghĩ là chị em, Sao Chi cũng giúp chỉnh sửa nên đứng tên cùng cũng không vấn đề gì cả”, bà Huệ Yên cho biết.