Phản hồi tiếp theo của các nhà nghiên cứu về vụ việc của bà Vũ thị Sao Chi:
Bà Lê Thị Hồng Hạnh đã từng tuyên bố sẽ kiện bà Vũ Thị Sao Chi đến cùng
"Cô Lê Thị Hồng Hạnh đã đến gặp tôi và đưa ra những bằng chứng, những tư liệu trong đó có những đoạn, những nội dung rất giống nhau giữa luận văn thạc sỹ của cô Hạnh (2004) với công trình nghiên cứu công bố trên tạp chí Ngôn ngữ năm 2008 của tác giả Vũ Thị Sao Chi và Luận Án tiến sĩ của bà Vũ Thị Sao Chi (2009). Cô Hạnh tuyên bố cô đã nộp đơn lên Viện nghiên cứu ngôn ngữ và sẽ theo đuổi vụ kiện đến cùng", PGS.TS Hà Quang Năng chia sẻ.
PGS Hà Quang Năng tỏ ra rất buồn “Tôi nhớ cách đây đã khá lâu, PGS.TS Nguyễn Thị Ngân Hoa, khi đó là TS. Nguyễn Thị Ngân Hoa, nguyên là Phó phòng Khoa học& Công nghệ, trường ĐHSP Hà Nội, có trao đổi với tôi là cô ấy có một người vừa là học trò, vừa là đồng nghiệp, năng lực chuyên môn rất tốt, đã bảo vệ xong luận văn thạc sĩ và rất muốn được tôi hướng dẫn tiếp để làm nghiên cứu sinh tại Học viện KHXH. Tôi đã chấp nhận.
“Nhưng ít lâu sau cô Hạnh đến gặp tôi và tỏ ra rất bức xúc. Cô Hạnh cho tôi biết trong quá trình làm hồ sơ nghiên cứu sinh, cô phát hiện luận văn của cô đã bị người khác sử dụng mà không ghi tên tác giả. Người đó nếu tôi nhớ không nhầm là Vũ Thị Sao Chi. Lúc đó tôi không biết cô Sao Chi là ai. Nhưng việc cô ấy làm đã ảnh hưởng rất lớn đến quá trình làm hồ sơ nghiên cứu sinh của cô Hạnh. Cô Hạnh khẳng định với tôi là sẽ theo đuổi kiện đến cùng để đòi lại công bằng.
Luận văn thạc sỹ của bà Lê Thị Hồng Hạnh |
Luận án tiến sỹ của bà Vũ Thị Sao Chi công bố sau đó 5 năm nhưng có nhiều nội dung và đề mục giống nhau đến kỳ lạ |
“Một thời gian sau đó, chính TS. Ngân Hoa lại gọi lại cho tôi và thông báo việc kiện tụng của cô Hạnh đã kéo dài mà không đạt được kết quả. Cô Hạnh vì thế không thế làm nghiên cứu sinh ở trong nước được nữa. Cả cô Hạnh và cô Ngân Hoa đều rất buồn và tỏ ra nản lòng vì không đòi được công bằng. Cô Ngân Hoa cũng cảm thấy bức xúc vì một cơ chế nào đó ngăn cản đã khiến cô ấy không thể bảo vệ được học trò của mình.
“Nhưng sau đó, cô Hạnh đã xin được học bổng và đi Pháp làm nghiên cứu sinh. Cô Hạnh là một người rất có năng lực nên cô đã được giữ lại Pháp làm việc từ đó cho đến nay. Đến bây giờ cô Hạnh vẫn đang ở Pháp”
Như vậy, có thể nói, việc sử dụng tư liệu của công trình nghiên cứu của người khác để làm luận án và các bài báo công bố công trình khoa học của mình mà không được sự cho phép của tác giả như đã nêu trên là hành vi không thể chấp nhận được, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tương lai công việc của người khác, đẩy họ vào khốn cảnh khó khăn.
Sự việc không được giải quyết kịp thời khiến nạn nhân đã phải từ bỏ con đường học vấn và tương lai rộng mở và công việc yêu thích của mình. Cũng rất may, nạn nhân là người có năng lực nên không những chị đã vượt qua được khó khăn và còn tìm được con đường phát triển tốt hơn trước. Nhưng không vì thế mà hành vi của người gây ra sự việc trên được bào chữa. Thiết nghĩ, các nhà khoa học và các nhà quản lý cần phải xử lý triệt để và thấu đáo vấn đề này để trả lại công bằng cho các nạn nhân và làm trong sạch môi trường học thuật.
Hải Yến